Trong các bệnh về đường tiêu hóa thì bệnh về dạ dày là bệnh dễ mắc phải nhất và xảy ra ở hầu hết mọi lứa tuổi. Đa số các bệnh về dạ dày thường gặp có: viêm loét dạ dày, trào ngược… hay nặng hơn là ung thư dạ dày. Vậy bạn đã biết gì về những căn bệnh đó?
Nguyên nhân dẫn tới các bệnh lý về dạ dày
Chủ yếu các bệnh về dạ dày phát sinh là do:
- Sinh hoạt bất thường, ăn uống không điều độ, ăn nhiều đồ chiên rán…
- Hút nhiều thuốc, uống nhiều rượu bia cũng gây kích ứng dạ dày dẫn tới bị đau dạ dày.
- Stress (lo lắng kéo dài) sẽ kích ứng thần kinh hình thành nhiều acid quá mức trong dạ dày gây nên viêm loét dạ dày.
- Do vi trùng HP ( Helicobacter Pylori) sống trong niêm mạc dạ dày có thể gây viêm loét dạ dày, ung thư dạ dày,…
- Sức khỏe bị suy giảm do môi trường xung quanh bị ô nhiễm, khiến việc lạm dụng các loại thuốc cũng là nguyên nhân dẫn tới các bệnh về viêm loét dạ dày– tá tràng.
- Bệnh nhân mắc các bệnh như tiểu đường, xơ gan…
Các bệnh về dạ dày thường gặp
-
Viêm loét dạ dày – tá tràng:
Viêm loét dạ dày hay còn gọi là bệnh loét dạ dày tá tràng, là tổn thương gây loét trên niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng. Viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, trước kia bệnh phổ biến ở người già hơn, nhưng vài năm trở lại đây bệnh có xu hướng ngày càng trẻ hoá.
Người bị viêm loét dạ dày thường có các triệu chứng như: khó tiêu, buồn nôn, nôn ra máu (đây là tình trạng bệnh viêm loét dạ dày– tá tràng đã ở mức nghiêm trọng, là biểu hiện của xuất huyết đường dạ dày)
-
Trào ngược thực quản dạ dày
Trào ngược thực quản là tình trạng dịch dạ dày (bao gồm thức ăn, men tiêu hóa, hơi…) trào ngược lên thực quản. Do tính chất phức tạp của triệu chứng bệnh nên đa số mọi người đều xem nhẹ, đánh giá sai mức độ bệnh, từ đó sinh ra tâm lý chủ quan.
Mặc dù không đe dọa tính mạng nhưng bệnh lại mang tới không ít phiền toái và biến chứng cho người bệnh:
- Các vấn đề về đường hô hấp như hen suyễn, viêm họng, viêm xoang, viêm phế quản hay viêm phổi
- Khi dịch dạ dày trào lên thực quản nhiều và liên tục gây phù nề, tổn thương niêm mạc thực quản dẫn đến viêm loét, hẹp thực quản. Khiến người bệnh đau, tức ngực, khó khăn khi nuốt, đặc biệt là bị đau phía sau xương ức gây buồn nôn khó chịu.
Để ngăn chặn các biến chứng của bệnh trào ngược thực quản, khi phát hiện những biểu hiện bất thường của cơ thể như ợ chua, ợ nóng hay đau rát ở vùng ngực thường xuyên…, Hãy đến bệnh viện ngay để được các bác sĩ thăm khám.
-
Viêm xung huyết hang vị dạ dày
Đây là dạng tổn thương dễ gặp phải trong số các tổn thương về dạ dày, là kiểu tổn thương vùng hang vị với các hồng ban dạng đốm.
Người bị viêm xung huyết hang vị dạ dày thường có triệu chứng: đau rát vùng thượng vị, ợ chua, đầy bụng, khó tiêu, chán ăn… Nhưng trong một số trường hợp bệnh nhẹ, biểu hiện chưa rõ ràng khiến chúng ta khó phát hiện bệnh.
Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày có thể chia thành các mức độ khác nhau, tùy theo tình trạng xuất hiện các hồng ban.
- Mức độ nặng: hồng ban lan rộng khắp niêm mạc vùng hang vị, thậm chí có thể lan lên cả thân vị.
- Mức độ nhẹ: Các hồng ban xuất hiện rời rạc và ít tại vùng hang vị.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, viêm xung huyết hang vị dạ dày sẽ gây ra các biến chứng rất nguy hiểm. Có thể phát triển thành loét dạ dày– tá tràng, gây chảy máu đường tiêu hóa. Ngoài ra, một biến chứng ít gặp nhưng rất nguy hiểm đó là viêm xung huyết hang vị dạ dày có thể dẫn đến ung thư dạ dày. Ung thư dạ dày là căn bệnh phổ biến hiện nay nên tuyệt đối không được chủ quan.
-
Ung thư dạ dày:
Có 2 dạng ung thư dạ dày. Với ung thư dạ dày sớm chỉ cần cắt bớt niêm mạc dạ dày qua nội soi. Nhưng nếu ung thư dạ dày dạng tiến triển, tức đã sang giai đoạn khác thì cần phải thực hiện phẫu thuật.
Ung thư dạ dày thường có thời gian ủ bệnh khá lâu do những nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu do thói quen ăn uống, lối sống, di truyền, mầm bệnh và cả những vết loét dạ dày lớn dần theo thời gian và ác tính hóa.
Những lưu ý khi mắc bệnh về dạ dày
- Ăn uống điều độ, hợp vệ sinh là quan trọng nhất. Nên tránh các loại thức ăn kích thích niêm mạc dạ dày như: rượu, bia, nước ngọt có gas… hay các loại thức ăn chứa nhiều acid như rau dưa, cà muối, cam, chanh,…và các loại gia vị cay như tiêu, tỏi, ớt,…
- Hạn chế ăn các đồ ăn như: món nướng, chiên, rán, đồ ăn nhanh để phòng tránh bệnh ung thư dạ dày.
- Nên sử dụng các loại thực phẩm như: trứng, sữa hoặc gạo nếp, … sử dụng sữa với chế độ hợp lý rất tốt đối với bệnh nhân bị bệnh về dạ dày.
Những hệ lụy do bệnh về dạ dày đem lại không chỉ làm ảnh hưởng đến sinh hoạt và cuộc sống của người bệnh mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, khiến việc khắc phục trở nên khó khăn hơn gấp bội lần nếu không kịp thời tìm ra phương pháp điều trị. Bởi vậy, hãy xây dựng và rèn luyện cho mình chế độ sống lành mạnh để phòng tránh khỏi các tác nhân gây bệnh.